Du Bút

[Tia Sáng] Những người làm sách trẻ

Du Bút Saturday, 14 May, 2022

Bài viết nhỏ này sẽ chia sẻ đôi dòng tâm sự, quan điểm lẫn trải nghiệm làm sách của vài đại diện trẻ măng và thú vị trong làng xuất bản Việt. 

Bài viết nhỏ này sẽ chia sẻ đôi dòng tâm sự, quan điểm lẫn trải nghiệm làm sách của vài đại diện trẻ măng và thú vị trong làng xuất bản Việt. 

Hiện nay, ngoài các NXB lớn và uy tín như NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục… hay các công ty sách tư nhân đã quen mặt với độc giả như Nhã Nam, Đông A, First News – Trí Việt, Alphabooks… sự xuất hiện của các gương mặt trẻ và độc đáo đã và đang đem lại nhiều gia vị mới lạ cho thị trường sách trong nước.

Làm sách để không cố dạy ai điều gì

Đầu tiên, xin được kể đến Du Bút, một công ty sách độc lập với trọng tâm là các tác phẩm sáng tạo của tác giả và họa sĩ Việt Nam.

Bắt đầu từ đâu và lý do gì khiến Du Bút dấn thân vào nghề làm sách này?

DU BÚT: Tụi mình là một nhóm người trẻ, mỗi người một nghề mà tình cờ tập hợp lại với nhau, tạo thành đủ một quy trình xuất bản. Thành lập từ 2016, khi nhận thấy thị trường sách sáng tạo tại Việt Nam hầu hết là các tác phẩm từ nước ngoài trong khi nghệ sĩ, họa sĩ Việt dù rất tài năng nhưng lại chưa được nhiều độc giả trong nước biết đến, tụi mình lập ra Du Bút như một cầu nối giúp tác phẩm chất lượng tiếp cận nhiều người đọc hơn. “Du Bút” nghĩa là những chuyến du hành bắt nguồn từ ngòi bút; mở ra những thế giới thông qua câu chuyện, qua tác phẩm, qua tranh vẽ của các tác giả.   

Du Bút có hai thành viên thường trực là Duy Nguyễn và Thanh Quỳnh, kết hợp cùng mạng lưới cộng tác viên đa dạng và đa tài.

 

Đối với các đơn vị xuất bản tư nhân, việc tạo dựng cá tính riêng rất quan trọng, vì khi tiềm lực có hạn, không thể trải rộng đủ thể loại sách như các NXB lớn. Vậy đặc tính riêng của sách Du Bút là gì?

DU BÚT: Chúng mình tự thành lập công ty cũng là để có được sự tự do và độc lập này đây. Du Bút muốn đem tới những cuốn sách không để dạy ai điều gì, chỉ muốn khơi gợi những ý tưởng, những xúc cảm, những cuộc thảo luận, thách thức các định kiến (mà đôi khi bạn không nhận ra).

Chúng mình lựa chọn các bản thảo dựa trên việc nó có thể giúp thay đổi cái nhìn một chiều nào hay không. Ví dụ tác phẩm Về nơi có nhiều cánh đồng (tác giả Phan, 2019) kể câu chuyện bỏ phố về vườn chân thật của những người trẻ với nhiều khía cạnh vất vả, khổ ải chứ không chỉ lãng mạn, nên thơ. Hay cuốn Ê có khi nào…? (tác giả Sói ăn chay, 2020) là một tuyên ngôn nhỏ về việc dân làm sáng tạo Việt Nam không thua kém gì nước ngoài: một ấn phẩm có ý tưởng độc đáo, sử dụng tiếng Việt thật hay và đẹp, cũng như thiết kế những trải nghiệm hiện đại, thẩm mỹ và thú vị. Hoặc cuốn Mùa hè bất tận (tác giả Lâm Hoàng Trúc, 2021) là một câu chuyện trần trụi khác về học đường, áp lực học hành thi cử hay những kỳ vọng vô lý của phụ huynh. Việc lựa chọn làm các ấn phẩm có hình ảnh cũng là để “phản pháo” lại quan điểm sách ít chữ nhiều hình thì kém giá trị.

Mỗi cuốn sách của Du Bút đều như giao thoa giữa tổ chức bản thảo truyền thống và một dự án thiết kế sáng tạo. Đối với chúng mình, mỗi tác phẩm không chỉ đơn thuần là một cuốn sách giấy. Nếu có thể làm được điều gì để góp phần tạo một trải nghiệm trọn vẹn cho độc giả khi đến với tác phẩm, chúng mình sẽ không ngần ngại tìm cách thực hiện. Đó có thể là xây dựng bộ lọc (filter) hiệu ứng thực tế ảo và sắp tới là ứng dụng điện thoại riêng cho những tranh vẽ trong Ê có khi nào…?, là triển lãm mô hình đất sét tái hiện bối cảnh truyện Thị trấn hoa mười giờ (tác giả Phan, 2020) thu hút hơn 3000 lượt khách tham dự trong ba tuần, cũng như các sản phẩm đi kèm như thiệp, lịch, cài áo, móc khóa… Đối với chúng mình, đó không chỉ là công cụ marketing mà là một phần mở rộng của tác phẩm. Tất cả tạo thành một tổng thể thống nhất, nâng tầm cho cuốn sách.

Ngoài ra, Du Bút cũng đang tập trung một phần lực vào việc phát triển mảng truyện tranh & graphic novel dành cho người trưởng thành. Ai bảo lớn rồi thì không được đọc truyện tranh?

Trong quá trình làm sách, các bạn gặp nhiều khó khăn với khâu nào nhất?

DU BÚT: Để đạt được những yêu cầu về kỹ – mỹ thuật cũng như tính thương mại riêng của tác phẩm, đôi khi chúng mình phải sử dụng nhiều nơi cung cấp dịch vụ khác nhau cho từng khâu trong quá trình in ấn thành phẩm, chứ không khoán hoàn toàn cho một nhà in. Có rất nhiều lỗi có thể xảy ra ở khâu thành phẩm này: xếp lộn trang, xén lố, xén thiếu, lệch gáy, tay gấp thừa /thiếu, dính trang, đóng nhầm giấy in nháp, dư keo đóng gáy,… 

Trong suốt quá trình in ấn và thành phẩm, tụi mình thường chia nhau túc trực tại xưởng in nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều, cũng như can thiệp ngay khi có vấn đề, giảm thiểu nguy cơ xảy ra lỗi. Lúc nhận sách in xong thì cũng phải thực hiện kiểm phẩm từng cuốn. Tuy vậy, vẫn đôi lần bị sót lỗi, khó tránh khỏi. Bên cạnh lỗi in ấn thì cũng có lỗi nội dung, biên tập. Tất cả những vấn đề này chúng mình đều đang cố gắng cải thiện từng ngày.

Trong năm 2022 này, Du Bút có dự án nào thú vị sắp ra mắt không?

DU BÚT: Năm nay chúng mình vẫn giữ định hướng phát triển mảng truyện tranh cho người trưởng thành của các tác giả Việt và các sáng tác của giới sáng tạo, nghệ thuật. Cụ thể là sẽ có các ấn phẩm truyện tranh cho người trưởng thành (graphic novel) với đề tài thách thức người đọc, buộc độc giả phải suy tư hơn nữa – như về lịch sử chẳng hạn. Phần còn lại xin phép giữ bí mật một tí.

Cảm ơn Du Bút đã tham gia buổi trò chuyện!

Đọc cả bài phỏng vấn tại Tia Sáng.

Bạn đang xem: [Tia Sáng] Những người làm sách trẻ
Bài trước Bài sau
Viết bình luận của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Danh sách so sánh

Giỏ hàng