[Thông báo phát hành] CỔ MỸ TỪ - KHO BÁU CỦA NHỮNG TỪ NGỮ ĐẸP
Khi các độc giả, báo giới và những người yêu sách cầm trên tay quyển sách này cũng là lúc toàn thể ekip của Du Bút lẫn tác giả Nguyễn Thuỳ Dung, nhà sáng lập của Ngày ngày viết chữ, đều có thể tự hào vì đã cho ra đời thành công một “đứa con tinh thần” thật đặc biệt.
Cổ Mỹ Từ - Một tựa sách về những từ đẹp mà nay ít dùng chính xác là một quyển từ điển, nếu xét theo việc phân loại. Nhưng thực chất, các độc giả hoàn toàn có thể trải nghiệm Cổ Mỹ Từ theo nhiều cách thức khác nhau vì đó cũng là một trong những mục tiêu tiên quyết của đội ngũ thực hiện.
Tác giả Nguyễn Thuỳ Dung là người sáng lập của trang Ngày ngày viết chữ, một trang blog cá nhân chuyên cập nhật về từ ngữ, từ cổ, từ hiếm, giá trị từ, những dẫn luận và cả những hiểu lầm về từ trong cách dùng theo thời gian. Ngoài những giá trị đã tạo nên với cộng đồng, Ngày ngày viết chữ cũng đã từng ra mắt hai quyển sách được độc giả đón nhận là Chữ xưa còn một chút này và Hôm nay phải mở mang.
Cổ Mỹ Từ vốn là một chuyên mục rất được các độc giả, những đối tượng yêu thích hoặc nghiên cứu về từ ngữ đặc biệt yêu thích trên Ngày ngày viết chữ. Đó cũng là một động lực rất lớn để Nguyễn Thuỳ Dung quyết tâm hoàn thiện bản thảo sau thời gian dài chuẩn bị.
Cổ mỹ từ là gì?
Cổ mỹ từ nôm na là những từ có sắc thái cổ và có ý nghĩa đẹp nhưng ít được sử dụng trong đời sống hiện đại. 58 từ trong sách được tác giả Thuỳ Dung nghiên cứu, chắt lọc và tinh tuyển từ những tác phẩm thi văn Việt Nam xưa, với mong muốn được giới thiệu đến với bạn đọc, có thể ứng dụng vào việc khai thác từ hoặc tham khảo.
Trong dòng chảy văn hoá, từ ngữ là thành tố luôn biến đổi, thích ứng với từng giai đoạn thời đại. Khi xã hội dần số hoá, biên độ dao động xung quanh từ ngữ càng trở nên rộng hơn. Nhiều từ mới được sinh ra và trở nên phổ biến một cách nhanh chóng, đồng thời có những từ cũ, ngỡ đã bị lãng quên cũng được khai thác lại. Song song với sự phát triển của công nghệ chính là việc gia tăng giá trị của những thành tố cũ xưa, như một sự đối lập hẳn nhiên cần có.
Việc giới thiệu cổ mỹ từ với độc giả trong thể thức một tập sách, một tập từ điển phần nào để đáp ứng nhu cầu của đối tượng yêu thích và nghiên cứu từ ngữ, tạo nên sự đa dạng trong dữ liệu sử dụng chứ không nhằm mong muốn thay thế các từ ngữ sẵn có. Toàn bộ những từ trong sách đều đã từng được sử dụng trong các tác phẩm thi văn của Việt Nam ngày xưa, nhưng nay ít dùng. Và khi đào sâu về ngữ nghĩa, cách dùng, ta sẽ thấy được đằng sau mặt chữ là cả một hệ thống văn hoá, thường thức của thời đại, như thể ta tìm được một “kho báu bị lãng quên”.
Khi từ điển có thể đọc như sách
Đối với Du Bút, được cộng tác với tác giả Thuỳ Dung là một vinh hạnh khi mà hai bên “gặp nhau” ở mong muốn khai thác, giới thiệu những giá trị nội sinh của Việt Nam với độc giả Việt Nam. Nic Huỳnh, biên tập viên của tập sách chia sẻ:
“Khi nhận bản thảo từ chị Dung, trách nhiệm của tôi là tìm ra một “con đường” phù hợp nhất cho quyển sách này. Nghiền ngẫm xấp nghiên cứu của chị Dung xong, tôi cho rằng sự “phù hợp nhất” vẫn chưa đủ, công trình này cần được phát huy tối đa giá trị của nó với thật nhiều người, bởi hàm lượng văn hoá của nó rất rộng.
Với nguyên liệu là 58 từ ngữ cùng những ghi chép liên quan, khó có thể tìm được cách thể hiện nào khác ngoài việc sắp xếp hoặc phân loại. Nhưng nếu chỉ sắp xếp từ theo bảng chữ cái, thì tính ứng dụng của quyển sách có thực sự hiệu quả không khi mà đây đều là những từ ngữ ít phổ thông, không nhiều người có nhu cầu tra cứu. Nhưng càng khó thì lại càng hay, chính những từ ngữ đẹp mà chị Dung chọn lọc đã khiến tôi tìm ra “con đường” tốt nhất: phân loại theo nghĩa của từ.”
Tập sách được chia thành hai mục lớn: những từ diễn tả cảnh vật thiên nhiên và những từ diễn tả tình cảm và cuộc sống. Nôm na là một phần sẽ tập hợp những từ ngữ thiên về ngoại cảnh, một phần tập hợp những từ thiên về con người. Tuy nhiên, cái hay của “cổ mỹ từ” là sự vô biên trong ngữ nghĩa. Phân loại chỉ mang tính bên ngoài, thực chất mỗi từ ngữ đều hàm chứa nhiều tầng nghĩa khác nhau mà tuỳ mỗi người sẽ còn cảm nhận được. Đó cũng chính là lý do để tập sách được khoác lên một chiếc áo thật rực rỡ là những bức tranh minh hoạ tỉ mỉ, đầy tinh thần cuộc sống từ hoạ sĩ Lê Thư.
Hoạ sĩ Lê Thư đã hoàn thành 30 tranh trong vòng 6 tháng. Vận dụng sự thanh thoát, dịu dàng của chất liệu màu nước trên nền tảng digital, các bức minh hoạ như sự cộng hưởng rất mạnh trong việc thể hiện cái “mỹ” của cổ mỹ từ, khiến cho từ ngữ trên trang sách sống động một cách tự thân, xứng đáng với công trình nghiên cứu và tập hợp cầu kì của tác giả Thuỳ Dung.
Về hình thức, tập sách được đóng gói theo hình thức gáy sách trần, đan chỉ, tạo cảm giác hoài niệm với những pho sách cổ. Nhưng bao bọc bên ngoài là tấm bìa áo hiện đại, có chức năng bảo vệ sách và làm tăng giá trị thẩm mỹ khi quyển sách ở trên giá.
Đội ngũ thực hiện mong muốn với phần hình thức, hình ảnh và nội dung được chăm chút tỉ mỉ sẽ giúp tập sách mang tính đa ứng dụng với nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Không chỉ về tra cứu hay tham khảo, tìm từ ngữ phù hợp để sử dụng mà Cổ Mỹ Từ hoàn toàn có thể được đọc như một quyển sách ở bất cứ lúc nào. “Mong rằng mỗi lần mở sách, bạn đọc có thể cảm thấy tâm hồn mình được vỗ về bởi những điều đẹp đẽ” - tác giả Thuỳ Dung chia sẻ.
Thông tin ekip
Tác giả: Nguyễn Thùy Dung
Sửa bản in: Quả Cà Kì Diệu
Bìa: Lê Thư, Thanh Quỳnh
Thiết kế: Thanh Quỳnh
Thiết kế tiêu đề: Lan Anh Ng
Phát hành toàn quốc: 9/10/2023